Gần đây, trên mạng bàn luận về Thánh nhân Tử Vi, một vị Thánh nhân cứu thế xuất hiện trong rất nhiều lời tiên tri. Chỉ vào thời kỳ mạt thế Ngài mới xuất hiện để chỉ dẫn mọi người bước tới ánh sáng.

Hiện tại, trên mạng Internet có không ít người tự xưng họ là vị Thánh nhân Tử Vi này. Cũng có người lại nói rằng, một minh tinh nào đó chính là “Tử Vi”, mỗi người nói một kiểu, rất hỗn loạn.

Vậy Thánh nhân Tử Vi có thực sự tồn tại không? Những vị tự xưng là “Tử Vi” trên mạng có là thật không?

Trước tiên chúng ta hãy nhìn vào vị Thánh nhân Tử Vi được nhắc đến trong dự ngôn. Tượng 47 của “Thôi Bối Đồ” viết.

Sấm viết:

Yển võ tu văn, Tử Vi tinh minh
Thất phu hữu trách, nhất ngôn vi bình

Tạm dịch:

Bỏ võ tu văn, sao Tử Vi sáng
Thất phu hữu trách, chỉ một lời bình

Tụng viết:

Vô vương vô đế định càn khôn, lai tự điền gian đệ nhất nhân
Hảo bả cựu thư đa độc đáo, nghĩa ngôn nhất xuất kiến anh minh

Tạm dịch:

Chẳng đế chẳng vương định càn khôn, người đệ nhất từ chốn điền viên
Đem cuốn sách xưa ra đọc nhiều, lời nghĩa hễ nói thấy anh minh

Tử Vi tinh minh – sao Tử Vi sáng

“Tử Vi tinh minh” được đề cập trong lời sấm, hay “sao Tử Vi” trong một số sách cổ. Trong môn Tinh tướng học cổ xưa, nó chỉ ngôi sao Bắc cực, là sáu sao Câu Trần, cũng chính là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiểu Hùng Tinh, treo lơ lửng trên bầu trời phương bắc xa xôi, nhìn ngôi sao Bắc Đẩu là có thể phát hiện ra nó. Trước khi phát minh ra la bàn, những người đi biển định hướng bằng cách quan sát sao Bắc Đẩu.

Tuy nhiên, “sao Tử Vi” được biết đến nhiều hơn với thân phận khác, chính là Đế tinh. Truyền thuyết nói rằng, Thiên Đế ngụ tại “Tử Vi viên”, nằm ở phía cực bắc chòm sao Bắc Đẩu, cũng chính là nơi có sáu ngôi sao Câu Trần, cung điện của Thiên Đế được gọi là Tử Cung (Cung điện tím). Sau này, người ta gọi ngôi sao Bắc Cực sáng là “sao Tử Vi”.

Vào thời cổ đại, các đế vương tin rằng, bản thân họ là thay Trời cai quản quốc gia, do đó đều tự xưng Thiên tử (con Trời), nơi ở của họ cũng được xây dựng phỏng theo nơi ở của Thiên Đế.

Các bạn có biết tại sao Cố Cung Bắc Kinh lại được gọi là “Tử Cấm Thành” không? Bởi Tử Cấm Thành chính là được xây dựng mô phỏng theo “Tử Cung” trên Thiên thượng. Có bảy cung điện trên trục trung tâm của Tử Cấm Thành từ cổng Ngọ Môn đến cổng Thần Vũ Môn, tương ứng với bảy ngôi sao Bắc Đẩu, và sông Kim Thủy xuyên qua Tử Cấm Thành, cũng giống như dải Ngân Hà vắt ngang bầu trời. Sáu cung điện phía đông và phía tây nơi hoàng đế và hậu cung của ông cư ngụ, đối ứng với sáu ngôi sao Câu Trần, cũng giống như “Tử Vi viên” nơi Thiên Đế cư ngụ.

Vì cứ đến đến đi đi như thế, nên tinh tượng của “sao Tử Vi” tự nhiên cũng đối ứng với vận mệnh của các đế vương trên Trái đất. Vậy thì vận mệnh của vị đế vương trong tượng 47 của “Thôi Bối Đồ” ra sao?

Bốn chữ “Tử Vi tinh minh” có nghĩa là ngôi sao Đế tinh treo cao, có một vị quân vương anh minh xuất thế.

Minh quân xuất thế

Kim Thánh Thán, một nhà bình luận nổi danh cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, nói rằng, tượng 47 này là “dấu hiệu vua hiền lễ đãi kẻ sĩ, hào kiệt đến quy tụ”, và “Đế không khoe đức, vương không kể công, thịnh trị tưng bừng vô vi nhị trị”

Đây là lời đánh giá rất cao. “Vô vi nhi trị” là quốc gia lý tưởng mà Lão Tử năm đó mong mỏi. Đã hơn 2.500 năm kể từ thời Lão Tử, có những thời kỳ thịnh thế, cũng có những bậc minh quân, nhưng cai quản quốc gia đến trình độ “Vô vi nhi trị”, thì chưa từng có ai.

Có vẻ như năng lực quản lý của vị vua sao Tử Vi này vượt qua tất cả các vị quân vương trong suốt 2500 năm qua. Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tông Tống Tổ, đều không thể sánh được với Ngài, thực sự phi phàm. Vậy Ngài quản lý quốc gia thế nào?

Chưa kể, phương thức quản lý quốc gia của Ngài thực sự phi thường. Đầu tiên là “Bỏ võ tu văn”. “Bỏ võ tu văn” là một thành ngữ, bắt nguồn từ sách “Thượng thư”. Năm đó, khi Trụ Vương của nhà Thương bạo ngược vô đạo, Chu Vũ Vương Cơ Phát xuất binh phản kháng bạo chính, cuối cùng lật đổ nhà Thương, kiến lập vương triều nhà Chu. Sau khi chiến tranh kết thúc, Chu Vũ Vương hạ lệnh đình chỉ quân bị, đề xướng giáo dục văn hóa. Những trâu, ngựa được trưng dụng trong chiến tranh đều được thả về. Thành ngữ “Bỏ võ tu văn” chính là xuất phát từ điển cố này.

Vậy thành ngữ “Bỏ võ tu văn” dùng ở đây đưa ra thông điệp gì? Một là Hoàng đế Tử Vi rất có khả năng sẽ kết thúc chính quyền bạo ngược, và là một vị vua không đề xuất vũ lực, xót thương trăm họ. Một vài câu tiếp theo trong dự ngôn cũng ấn chứng điểm này.

“Thất phu hữu trách”. Rất rõ ràng, từ “thất phu” là chỉ những người dân thường, sẽ có được địa vị cao hơn. Họ cũng là người “có trách nhiệm” quản lý quốc gia, điều này phi thường tương hợp với phong cách quản lý “vô vi nhi trị”. Nếu mỗi cá nhân đều có thể tự lo liệu tốt và làm tròn trách nhiệm của bản thân mình, thì cũng sẽ không cần phải dùng đến quân đội và quốc gia để duy trì trật tự, chính là “Vô vi nhi trị”.

Nhưng liệu một quốc gia mộng tưởng như vậy có thể nào thực sự thành hiện thực?

“Nhất ngôn vi bình”. Trên mạng Internet cũng có nhiều cách giải nghĩa khác nhau về bốn từ này. Có người nói rằng, hai từ “Nhất ngôn” (一言) kết hợp lại có thể thành chữ “tín” (信), tức niềm tin. Có phải là, đức vua Tử Vi sẽ dẫn dắt nhân dân của mình bằng niềm tin, hoặc là một loại tín ngưỡng nào đó? Khi con người có niềm tin trong tâm, họ tự nhiên sẽ có thể tự quản tốt bản thân.

Cũng có người nói, hiện tại ở thời đại Internet này, chữ “bình” có thể là từ chỉ “đánh giá tốt” hay “đánh giá tiêu cực”? Trong thời đại Internet, tự do ngôn luận có nghĩa là mỗi người đều có quyền phát biểu và biểu quyết, “đánh giá tốt” và “đánh giá xấu” là do bạn đưa ra quyết định cuối cùng, đó chẳng phải là “thất phu hữu trách” sao.

Cũng có người đi sâu giải thích từ trong lời tụng “Vô vương vô đế định càn khôn, lai tự điền gian đệ nhất nhân” (Chẳng đế chẳng vương định càn khôn, là người đệ nhất chốn quê mùa)rằng “Đệ nhất nhân’, là người đầu tiên, chúng ta cũng có thể nói là người sáng khởi.

Còn “lai tự điền gian” thì hiểu thế nào?

Bạn xem chữ “điền” (田) giống cái gì? Một tấm lưới vuông, ẩn dụ một mạng lưới phải không? “Lai tự điền gian” có lẽ nào là đến từ mạng lưới internet? Đức vua Tử Vi này có phải là người sáng khởi một loại mạng lưới, hoặc là một nền tảng trực tuyến nào đó hay không?

Ngài sẽ kiến lập một vương quốc của mình trên mạng, mọi người muốn đến liền đến, muốn đi liền đi, rất tự do. Bằng cách này, vị quốc vương này so với các quốc vương từ xưa tới nay đều không giống, bản thân Ngài ngay cả xưng hiệu đế vương cũng đều sẽ không có. Phương thức quản lý này, dùng lời của người xưa mà nói thì rất khó lý giải, do đó nhà dự ngôn liền dùng bốn chữ “Vô vương vô đế” để hình dung.

Một cư dân mạng khác thì cho rằng, điều này có quá sức tưởng tượng không? Vị quân vương tương lai này cũng được đề cập đến trong rất nhiều dự ngôn khác, chúng ta hãy tham khảo xem những dự ngôn khác nói gì.

Trong “Càn khôn vạn niên ca” của Khương Tử Nha có nói “Nạ thời tẩu xuất thảo điền lai, thủ trì kim long bộ ngọc giai” (Thời đó bước ra khỏi ruộng cỏ, tay cầm rồng vàng bước thềm ngọc)

Ý nghĩa là: lúc đó Ngài sẽ bước ra khỏi đồng cỏ, tay nắm rồng vàng, bước trên những bậc thang ngọc.

Dự ngôn “Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Khổng Minh nói rằng: “Vô danh vô đức quang huy Trung Hoa” (Không danh phận, không công đức, mà sáng rực Trung Hoa).

Còn trong dự ngôn “Thiêu bính ca” của Lưu Bá Ôn nói rằng: “Mạt lai giáo chủ lâm hạ phàm”. (Thời mạt thế mạt Pháp, giáo chủ hạ phàm), “Giáng tại hàn môn thảo đường nội” (Sinh trong nhà tranh nghèo).

Do đó câu “Lai tự điền gian đệ nhất nhân” giải thích là đến từ dân gian nghe có vẻ thích hợp hơn.

Vậy câu “Vô vương vô đế định càn khôn” có ý nghĩa như thế nào? Đức vua Tử Vi này dù không xưng vương cũng không xưng đế, nhưng có thể bằng một lời mà an định trời đất. Vậy thì Ngài sẽ đóng vai gì trong nhân gian? Cách giải nghĩa phổ biến nhất trên Internet chính là “Thánh nhân”.

Thánh nhân Tử Vi

Nhiều tiên tri khác nói đến sự xuất hiện của một vị Thánh nhân cứu thế cũng thường được đề cập đến thân phận quân vương của Ngài. Trong số đó, tượng 44 của “Thôi Bối Đồ” nói: “Trung Quốc nhi kim hữu Thánh nhân, tuy phi hào kiệt dã Chu Thành. Tứ di trùng dịch xưng thiên tử, bĩ cực thái lai cửu quốc xuân”.

Tạm dịch: Trung Quốc ngày nay có Thánh nhân, tuy không phải hào kiệt cũng bậc Chu Thành. Tứ phương lại dịch (lời của Ngài để học tập), gọi là Thiên tử, bĩ cực thái lai cửu quốc (9 nước, Cửu Châu, tức Trung Quốc) hồi xuân.

Vị Thánh nhân Thiên tử trong dự ngôn đưa Trung Quốc từ trong thời khắc cực kỳ đen tối bước tới mùa xuân.

Trong “Ngũ Công Kinh” của Đạo gia cũng dự ngôn về một vị Thánh nhân gọi là “minh vương”, sẽ đưa mọi người tiến vào một thời kỳ mỹ hảo.

Vậy thì, tượng 47 dự ngôn chính là vị “Thánh nhân Tử Vi”. Vị Thánh nhân này giỏi nhất điều gì? Là giáo hóa nhân tâm. “Thánh nhân Tử Vi” sẽ làm thế nào để giáo hóa nhân tâm?

Chúng ta hãy xem hai câu cuối: “Hảo bả cựu thư đa độc đáo, nghĩa ngôn nhất xuất kiến anh minh”.

Có người cho rằng, điểm then chốt ở đây chính là hai chữ “cựu thư”, tức sách cổ. Chúng ta kết hợp với việc xem hình vẽ của tượng 47, giá sách trong bức tranh này có tổng cộng 3 tầng, mỗi một tầng đều đặt hai hàng sách, bên trái của giá sách có một cuộn sách. Kết cấu nội bộ của giá sách trông rất giống với hình tượng giản thể của chữ “Cựu” (旧). Có lẽ đây chính là gợi ý cho mọi người, rằng hai chữ “cựu thư”, tức sách cổ, rất quan trọng.

Thôi Bối Đồ – Tượng 47 (Ảnh: qua Epoch Times)

Chữ “cựu” có thể được hiểu là những gì cổ xưa. Liệu “cựu thư” có phải do vị Thánh nhân này viết ra, là một cuốn sách ẩn chứa những giá trị quan cổ đại dùng để giáo hóa nhân tâm chăng?

Chẳng phải là mọi người đều oán thán rằng thế đạo ngày nay đang suy tàn, nhân tâm không còn như xưa, do đó mọi người đều đang sống khá tồi tệ. Vậy thì nếu có thể khiến nhân tâm phục hồi về tiêu chuẩn thời cổ đại, thì chẳng phải bầu không khí xã hội sẽ biến trở nên tốt đẹp, mọi người đều có thể sống một cuộc sống tốt đẹp đó sao? Điều đó không phải là không thể.

Vậy tại sao trên giá sách này chỉ có ba hàng sách, mà không phải bốn hàng hay hai hàng? Có người giải thích rằng, nó có lẽ đề cập đến ba khái niệm quan trọng trong cuốn sách này. Bạn thấy đấy, thư tịch kinh điển Phật giáo bao la như biển cả, nhưng ba chữ mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm đó thường xuyên nhắc tới chính là ba chữ “Giới-Định-Huệ”. Ba chữ đó sau này đã trở thành nguyên tắc tu hành quan trọng nhất của Phật giáo.

Vậy thì, trong sách của vị Thánh nhân này phải chăng cũng có nguyên tắc ba chữ như vậy? Nguyên tắc ba chữ này có phải là “nghĩa ngôn” được đề cập trong câu “Hảo bả cựu thư đa độc đáo, nghĩa ngôn nhất xuất kiến anh minh” không? Thật khó để nói điều này, xin lưu lại để mọi người tự giải nghĩa.

Trên đây là giải nghĩa về “Thánh nhân Tử Vi” được dự ngôn trong hình ảnh 47 của “Thôi Bối Đồ”. Những dự ngôn khác được lưu truyền trong dân gian cũng đề cập đến sự xuất hiện của “Thánh nhân Tử Vi”. Ví dụ, trong “Vũ Hầu bách niên kê” trứ danh của Gia Cát Lượng có nói:

Điền gian tái xuất Hoa Thịnh Đốn, tạo phúc nhân quần thị chân mệnh.
Thử nhân nguyên thị Tử Vi tinh, định quốc an dân công đức thịnh.
Chấp trung thủ nhất định càn khôn, nguy nguy đãng đãng hy Nghiêu Thuấn.

Tạm dịch:

Điền viên lại xuất hiện Washington, tạo phúc muôn dân là chân mệnh
Người này vốn là sao Tử Vi, định quốc an dân công đức lớn
Công bằng chính nghĩa định Càn Khôn, ân huệ mênh mang hiếm có như Nghiêu Thuấn

Ý nghĩa là: trong chốn nhân gian sẽ xuất hiện một vị Washington, mang sứ mệnh tạo phúc cho muôn dân. Người đó nguyên là sao Tử Vi, sẽ ổn định quốc gia, an định nhân dân, tạo phúc lớn cho thiên hạ. Ngài dùng công bằng, chính nghĩa để ổn định đất trời, ân huệ bao la rộng khắp, hiếm có như vua Nghiêu vua Thuấn.

Trên thực tế, trên thế giới có rất nhiều dự ngôn cổ xưa khác đều có một vị “Thánh nhân Tử Vi” như vậy, tuy rằng tên gọi khác nhau, nhưng thực chất đều làm sự tình giống nhau, chính là cứu người trong thời khắc nguy nan của thời kỳ mạt thế. Trong Phật giáo có nói đến một vị Chuyển Luân Thánh Vương hạ thế độ nhân; trong Cơ đốc giáo có nói đến Đấng Cứu Thế Messiah trong thời mạt thế; trong truyền thuyết dân gian cũng nhắc đến Đức Phật Di Lặc. Có người thậm chí đã xác minh rằng, những vị này khả năng đều là cùng một người.

Dù thế nào đi chăng nữa, cụm từ “Thánh nhân Tử Vi” mấy năm này đã lặng lẽ trở nên nổi tiếng trên mạng. Có đủ mọi cách giải nghĩa dự ngôn về Ngài, kiểu gì cũng có. Thậm chí còn có một số cư dân mạng lật giở những dự ngôn lớn, tổng kết ra tên họ và năm sinh đặc trưng của vị Thánh nhân.

Họ tên và năm sinh của vị Thánh nhân

Thứ nhất, vị Thánh nhân tên họ là gì?

Dự ngôn “Kim Lăng tháp bi văn” của Lưu Bá Ôn cho biết, sau đại tai nạn thời kỳ mạt thế sẽ có “Hạnh đắc đại mộc lưỡng điều chi đại hạ” (幸得大木兩條支大廈 – May có cây lớn hai cành nâng nhà lớn). Do đó tên của vị Thánh nhân này hẳn phải có một chữ Mộc (木).

Truyền thuyết nói, trong “Thôi Bi Đồ”, một dự ngôn khác của Lưu Bá Ôn nói rằng “Thố chi niên đáo trung thiên, dĩ mộc tử tính” (兔之年到中天,以木子姓 – Năm Mão đến giữa trời, tên họ là Mộc Tử), điều này rất trực tiếp điểm chỉ ra trong họ của vị Thánh nhân này có một chữ Mộc (木) và chữ Tử (子), rất có khả năng là một chữ “Lý” (李).

Dự ngôn “Cách Am Di Lục” của Hàn Quốc cũng đề cập đến “Thế mạt Thánh quân mộc nhân” (Thánh nhân thời mạt thế là người thuộc Mộc). Cư dân mạng giải thích rằng, người xưa gọi chữ “nhân” (con người) là “tử” (子)” (ví như từ “sĩ tử” là chỉ những người là học sinh, học trò), vì vậy hai chữ “Mộc nhân” (木人) cũng có nghĩa là “Mộc tử” (木子), mà Mộc tử (木子) ghép lại thành chữ “Lý” (李), vị Thánh nhân khả năng là họ Lý.

Thậm chí có người còn giải thích câu “Lai tự điền gian đệ nhất nhân” trong tượng 47 của “Thôi Bối Đồ” mà chúng ta vừa nhắc đến, cho rằng giữa của chữ điền “田” là chữ “Thập” (十), chữ “thập” (十) lồng chữ “nhân” (人) cũng thành chữ “Mộc” (木) .

Vì vậy, theo quan điểm này, rất có thể tên của vị Thánh nhân có chữ “Mộc” trong đó, hoặc là, họ của Ngài là “Lý”.

Năm sinh của vị Thánh nhân

Trong “Càn khôn vạn niên ca” có câu: “Mộc biên nhất thố tẩu tương lai, tự tại vi quân bất động thủ” (木邊一兔走將來,自在為君不動手 – Bên cây một con thỏ chạy ra, tự tại như quân vương không cần động thủ). Ở đây xuất hiện một con thỏ (năm Mão).

Trong “Cách Am Di Lục” lại nói: “Mộc thố tái sinh bảo huệ sĩ” (木兔再生保惠士 – Thỏ Mộc tái sinh bảo vệ những người được ban ân huệ), ở đây cũng có một con thỏ (năm Mão).

Trong “Bộ Hư đại sư dự ngôn thi” nói: “Tướng tương ngọc thố tiệm Đông thăng” (相將玉兔漸東升 – Sẽ xuất hiện thỏ ngọc từ phương Đông dần thăng lên).

Trong “Kim Lăng tháp bi văn” của Lưu Bá Ôn viết: “Năng phùng mộc thố phương vi thọ, trạch cập quần sinh lạc thả khang” (能逢木兔方為壽,澤及群生樂且康 – Có thể gặp được Thỏ Mộc thì mới trường thọ, ân trạch muôn dân, hạnh phúc và mạnh khỏe).

Vậy thì, vị Thánh nhân này rất có thể xuất sinh vào năm con Thỏ, tức là năm Mão, (năm Mão người Hoa là con thỏ, còn người Việt là con mèo).

Tóm lại, vị Thánh nhân có nhiều khả năng là tên có một chữ “Mộc”, và sinh vào năm Mão. Các thông tin giải nghĩa càng ngày càng nhiều, càng ngày càng cụ thể hơn.

Lúc này xuất hiện một hiện tượng thú vị, đó là có người bỗng tự xưng mình chính là vị Thánh nhân này, có không ít người như vậy, và mỗi người trong số họ đều tuyên bố rằng mình là đúng, và những người khác là sai. Vậy phân biệt Thánh nhân thật và giả như thế nào?

Thánh nhân thật và giả

Tuy nhiên, một số cư dân mạng cho rằng, phàm là tự xưng là Thánh nhân như vậy, thì đều là giả. Tại sao lại nói như vậy?

Bởi vì nếu nhìn lại lịch sử, bạn sẽ biết xưng hiệu “Thánh nhân” là do người khác phong tặng, chứ không ai đó tự phong cho mình. Ví như Khổng Tử, lúc khởi đầu, sự nghiệp quan trường của ông không hề suôn sẻ, ông chu du sáu nước đều không được ai đánh giá cao, ông rất bất đắc chí.

Nhưng mọi chuyện thế gian thường là, bên đông không sáng, thì bên tây sáng. Có người phát hiện lời ông nói có đạo lý, rất yêu thích ông, sau này người theo học ông càng ngày càng đông, Khổng Tử liên trở thành bậc thầy, gọi là Phu tử. Sau khi Khổng Phu tử qua đời, học sinh của ông đã biên soạn những điều ông nói thành sách, và đây là cách mà “Luận ngữ” của Khổng Tử ra đời.

Rất nhiều năm sau, đến thời kỳ Hán Vũ Đế, chính sách “độc tôn Nho thuật” được thực hành, Khổng Tử mới được hậu nhân tôn xưng là Thánh nhân.

Hãy nhìn vào một vị Thánh nhân khác, Lão Tử. Lão Tử được hậu thế biết đến là vị đứng đầu trong Tam đại Thánh nhân của phương Đông, tuy nhiên, sau khi ông viết xong Đạo Đức Kinh, ông không ra đường phố lớn hô to, ta là Thánh nhân đây, mọi người hãy đến học ta đi. Ông chỉ lưu lại cuốn sách của mình, và lặng lẽ cưỡi trâu mà đi.

Vì vậy, một số cư dân mạng cho rằng, giống như những vị Thánh hiền cổ đại đó, nếu Thánh nhân Tử Vi thực sự đến, Ngài sẽ không đến đâu cũng nói tôi là Thánh nhân. Điều Ngài để tâm là làm thế nào để dẫn dắt tất cả chúng sinh đi đúng hướng, Tử Vi chính là ngôi sao Bắc Cực mà, nó là ánh sáng dẫn đường, đây mới là mục đích và ý nghĩa chân chính của việc Thánh nhân xuất thế. Vì vậy, những người mà đến đâu cũng xưng bản thân là này là nọ, cực lực chứng minh mình là Thánh nhân, khẳng định đều là giả.

Phù Dao – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
Nguồn: NTDVN

>> Vượt qua Đại Nạn – Bí mật của Bình An


Fatal error: Call to undefined function ntd_get_related_posts() in /var/www/dev.tansinh.net/wp-content/themes/ts_desktop/single.php on line 30