Bài viết của một tân học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Hôm nay là một ngày Chủ Nhật tươi sáng, làn gió nhẹ thổi qua cửa sổ buổi sáng. Ngồi trên bàn máy tính, tôi nhớ lại cảm giác của mình và những gì tôi học được trong vài tháng qua. Giờ phút này, tâm tôi bình yên và tràn ngập niềm vui.

Tôi sinh ra trong một gia đình nông thôn bình thường. Cha mẹ tôi thiện lương và hòa thuận, các anh chị em của tôi tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng chúng tôi nghèo và cuộc sống tương đối khó khăn. Bà và bố tôi sức khỏe không được tốt. Trong nhiều năm, họ phải dùng thuốc để bớt ốm đau và việc nằm viện cũng là chuyện thường. Khi lớn lên, vẻ mặt đau đớn của cha tôi khi ông phải chịu những căn bệnh khác nhau và sự vất vả của mẹ tôi khi chăm sóc cha tôi, các anh chị em và ông bà tôi, đã thiêu đốt tâm trí tôi. Cha mẹ tôi phải lo lắng về chi phí y tế cao cũng như chi phí học tập và sinh hoạt ngày càng tăng.

Tôi thường nghĩ, làm người tại sao phải chịu khổ nhiều như vậy? Tại sao những người tốt và tử tế không thể có một cuộc sống gia đình tốt đẹp? Tại sao họ không thể sống một cuộc sống bình yên mà không phải chịu đựng sự giày vò của bệnh tật và nghèo khó? Khi còn là một thiếu niên, tôi từng nghĩ rằng cuộc sống quá đau khổ nên việc sống như thế này thật vô nghĩa.

Trong thời gian dài, tôi không biết nhiều về Pháp Luân Đại Pháp. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là vụ “tự thiêu Thiên An Môn”. Sau vụ việc đó, các phương tiện truyền thông chính thống ở Trung Quốc đã lan truyền tin tức khắp cả nước. Vào thời điểm đó, tôi xem đây là một trong những sự kiện chính trị lớn. Lúc đó, tôi 13 tuổi và chỉ tiếp xúc với những chủ đề liên quan đến việc học ở trường. Kiến thức của tôi tương đối hạn hẹp. Tôi hiếm khi quan tâm đến các vấn đề chính trị và không thích tôn giáo. Vì vậy, tôi cảm thấy Pháp Luân Đại Pháp thật xa vời với những gì tôi biết.

Tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp

Năm 2011, tôi gặp chồng hiện tại của mình. Lúc đó, chúng tôi có cảm tình với nhau. Anh ấy nói với tôi rằng anh là một học viên Pháp Luân Đại Pháp; bà, bố và dì của anh cũng vậy. Phản ứng đầu tiên của tôi là lo lắng cho sự an toàn của họ, và sau đó lo lắng cho cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Thật lòng, lúc đó tôi cảm thấy rất lo lắng. Ngoài lo lắng, tôi cũng tò mò không biết Pháp Luân Đại Pháp là hình thức tu luyện gì mà nhiều người vẫn kiên trì tu luyện bất chấp an nguy của bản thân.

Vì vậy, kể từ đó, tôi bắt đầu chủ động tìm hiểu môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cố gắng hiểu các nguyên lý tu luyện và những gì mà các học viên thực hành. Tôi tự hỏi kiểu người như thế nào đang tu luyện, suy nghĩ và hành vi của họ thay đổi như thế nào.

Trong những lần nói chuyện sau đó của chúng tôi, tôi thường nghe về ba từ “Chân-Thiện-Nhẫn” và chứng kiến cách chồng tôi sử dụng chúng để ước thúc bản thân như thế nào. Anh ấy chia sẻ về những bài học mà anh đã học được và những nhận thức từ nhóm học Pháp. Anh giải thích cách anh thay đổi thế giới quan và cách xử lý những điều gặp phải trong cuộc sống. Nghe những gì anh nói, tôi dần nhận ra rằng Pháp Luân Đại Pháp không như truyền thông nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên truyền. Việc Đại Pháp dẫn dắt mọi người tự làm hại mình, tự sát hoặc làm tổn thương người khác là không thể nào. Ngược lại, tu luyện giúp người ta làm việc thiện, tích đức, hướng nội để đề cao tâm tính. Lúc đó tôi nghĩ nếu mọi người sống với tiêu chuẩn cao như vậy thì xã hội chắc chắn sẽ ổn định và hài hòa hơn. Điều đó đâu có gì sai?

Dần dần, những lo ngại của tôi biến mất. Mặc dù tôi vẫn lo lắng cho an toàn của chồng mình, đặc biệt khi tôi thấy anh giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp cho mọi người, tôi khuyên anh ấy hãy cẩn trọng. Tôi sợ rằng anh có thể bị người xấu báo cảnh sát. Nhưng tôi hiểu động lực tu luyện của anh. Tôi bắt đầu hỗ trợ anh trong tu luyện và thường xuyên tham gia hoạt động cùng các học viên.

Tháng Giêng năm nay, chồng tôi đột nhiên hỏi tôi có muốn cùng anh tham gia nhóm học Pháp không. Lúc đó, tôi không nghĩ quá nhiều về điều đó, vì vậy tôi đã đi cùng anh.

Tìm được lời giải cho những câu hỏi của bản thân

Nhóm học Pháp này gồm 7-8 người, tất cả ở các độ tuổi khác nhau; một số khoảng 40 đến 50 tuổi, và một số mới ngoài 20. Mọi người cùng nhau đọc Chuyển Pháp Luân, sau đó trao đổi kinh nghiệm và nhận thức. Thật ngạc nhiên, lần đầu tiên bước vào nhóm học Pháp, rất nhiều câu hỏi lâu nay của tôi về cuộc sống đã được giải đáp.

Tôi đã đọc bài giảng thứ tư trong cuốn Chuyển Pháp Luân vào ngày hôm đó. Nội dung nói về vấn đề được mất. Trên thực tế, vấn đề này thường gặp phải trong cuộc sống hàng ngày và giao tiếp cá nhân xã hội. Những gì được mô tả trong cuốn sách đã cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác về những gì tôi đã hiểu trước đây. Cách hiểu trước đây của tôi về được mất chỉ đơn thuần là không tham những thứ nhỏ nhặt về mặt lợi ích và vật chất, không tranh cãi thái quá với người khác. Khi có mâu thuẫn với mọi người, tôi sẽ không tranh cãi. Vấn đề được mất được giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân sâu sắc hơn. Nó nói rằng được mất về mặt vật chất chỉ là một phần trong đó, nhấn mạnh hơn vào vấn đề được mất trên phương diện tâm tính. Đây là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Điều này bao hàm việc từ bỏ các chấp trước khác nhau, bao gồm tâm khoe khoang, tâm đố kỵ, tâm tranh đấu, tâm hư vinh, v.v.. Nó bao gồm từ bỏ tất cả những ham muốn, chấp trước, và ràng buộc tư tưởng. Hành vi của người ta thường thay đổi khi tư tưởng cải biến. Khi những thứ này bị coi nhẹ hoặc thậm chí vứt bỏ, chúng ta sẽ đắc được gì?

Hóa ra những thứ xấu ở một người được gọi là nghiệp, và những thứ tốt tương ứng gọi là đức. Nghiệp và đức không chỉ tồn tại ở kiếp này mà được tích lũy đời đời kiếp kiếp. Trước đây, tôi không hiểu tại sao mình sinh ra làm người, tại sao tôi luôn phải chịu đựng quá nhiều đau khổ, bệnh tật, thiếu thốn vật chất, nợ nần, v.v.. Như vậy.

Sau khi đọc bài giảng này của cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi bắt đầu hiểu rằng, trên thực tế, tất cả các kiếp sống đều tích lũy rất nhiều nghiệp chướng. Nghiệp và đức đều là vật chất và sẽ không biến mất trong không trung, mà chúng sẽ chuyển hóa qua lại. Vũ trụ rộng lớn, sự phức tạp của thời không, và những sắp đặt khác nhau không phải ngẫu nhiên mà có. Chịu khổ chịu nạn chính là chúng ta đang tiêu trừ nghiệp. Chỉ khi nhẫn chịu thống khổ, nghiệp chướng đeo bám chúng ta trong nhiều kiếp sống mới có thể chuyển thành thứ tốt. Khi hiểu được những khái niệm này, tôi cảm thấy thế giới của mình đột nhiên mở ra, giống như bầu trời đầy mây đột nhiên trở nên sáng tỏ. Mây đen trong tâm tôi đang dần tan biến.

Hướng nội

Từ đó trở đi, tôi dành thời gian để đọc Chuyển Pháp Luân và học cùng chồng tôi mỗi ngày. Chúng tôi thảo luận về nhiều chủ đề chung. Thỉnh thoảng chúng tôi có thể tranh cãi, nhưng anh ấy luôn chủ động hướng nội. Đây chẳng phải là cơ hội để đề cao tâm tính mà Sư phụ Lý Hồng Chí (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) đã giảng trong sách sao?

Trước đây, bất cứ khi nào tức giận, tôi thường phàn nàn rằng người kia không hiểu tôi và không nghĩ vấn đề từ quan điểm của tôi. Đó là lỗi của người kia. Kể từ khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, mỗi khi chúng tôi xảy ra mâu thuẫn, chồng tôi đều chủ động hướng nội tìm nguyên nhân, hành động của anh ấy cũng nhắc tôi đề cao tâm tính và hướng nội thay vì phàn nàn. Khi tôi thực hiện được việc hướng nội, tôi thấy xung đột giữa chúng tôi biến mất.

Trong tháng đầu tiên sau khi tham gia nhóm học Pháp và đọc Chuyển Pháp Luân, tôi xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh và gặp vấn đề nghiêm trọng với giọng nói. Tôi không thể nói chuyện trong tháng đầu tiên. Đó là vấn đề nghiêm trọng nhất về dây thanh quản mà tôi từng nhớ. Một tháng sau, triệu chứng này đột nhiên biến mất và tôi có thể nói chuyện bình thường. Tôi cũng hết các triệu chứng cảm.

Trải nghiệm này lúc đầu khiến tôi bối rối. Sau đó, tôi nghe một số học viên lâu năm nói rằng tình huống này xảy ra là để tiêu nghiệp. Tôi đột nhiên hiểu chuyện gì đã xảy ra và rất biết ơn Sư phụ Lý Hồng Chí.

Học Chuyển Pháp Luân khiến tôi nhận ra rằng sau khi sinh ra con người ta sẽ phải trải qua đau đớn khổ sở. Nếu muốn thoát khỏi nỗi đau luân hồi, họ phải quyết tâm bước trên con đường tu luyện. Dưới sự dẫn dắt của Đại Pháp, chúng ta sẽ không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức và tầng thứ nhận thức đối với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Đến cuối cùng, chúng ta sẽ trở về nhà, trở về nơi chúng ta thuộc về. Điều này khiến tôi quyết tâm tu luyện hơn.

Tôi biết ơn các học viên xung quanh tôi, những người vẫn đang giúp đỡ tôi. Tôi chia sẻ cảm ngộ đắc Pháp của mình với những người khác để ngày càng có nhiều người có cơ hội đọc cuốn sách này và biết về Đại Pháp. Chúng ta hãy cùng nhau tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, trợ Sư Chính Pháp, viên mãn và trở về với chân ngã của mình.

Theo Minh Huệ Net


Fatal error: Call to undefined function ntd_get_related_posts() in /var/www/dev.tansinh.net/wp-content/themes/ts_desktop/single.php on line 30