Trong cả cuộc đời mình, Khổng Tử đã 4 lần vấn Đạo Lão Tử, mỗi lần đều có thu hoạch rất nhiều. Lần cuối cùng bái kiến Lão Tử, Khổng Tử nói: “Cuối cùng thì trò cũng đã đắc Đạo rồi”. Thế thì Đạo mà Khổng Tử cuối cùng được nghe là Đạo gì? Sau khi đắc Đạo thì biểu hiện của ông như thế nào? Tại sao lại có thể “Tối chết cũng yên lòng”?
Năm 17 tuổi, Khổng Tử lần đầu tiên bái kiến Lão Tử đúng lúc Lão Tử đang chủ trì tang lễ ở nước Lỗ, thế là Khổng Tử học tập được trình lự, chi tiết lễ chế của các lễ như ma chay cưới xin…
Năm 34 tuổi, Khổng Tử đã có một số thành tựu trong sự nghiệp của ông rồi, và là lần thứ 2 hỏi Lão Tử về “Lễ”. Lão Tử thấy Khổng Tử có vẻ đắc ý đắc chí bèn dội cho Khổng Tử một gáo nước lạnh: “Lễ mà ông nói đến là người đã chết để lại, đã lỗi thời rồi… Người buôn bán giỏi không hiển lộ sắc sảo, người quân tử đại trí nhược ngu. Kiêu ngạo, dục vọng, làm ra vẻ, thích cao xa, những thứ này không có ích lợi gì cho ông cả”.
Sau khi trở về, Khổng Tử 3 ngày không nói lời nào, cho rằng Lão Tử giống như con rồng bay trên mây, thâm sâu không thể nào thăm dò tới được.
Lần thứ 3 Khổng Tử bái kiến Lão Tử mới bắt đầu đàm luận “Nhân – Nghĩa”. Lão Tử nói: “Trời, đất, mặt trời, mặt trăng, các vì sao đều vận hành theo quy luật. Ông nên hành sự theo tự nhiên, tiến thủ thuận theo quy luật, đó mới là tốt nhất. Ông sốt sắng rao giảng nhân nghĩa, giống như gióng trống tìm kẻ chạy trốn, tiếng trống càng lớn thì người ta chạy càng xa”.
Khổng Tử trở về, bắt đầu nghiên cứu Kinh Dịch.
Trong thiên Thiên Vận sách Trang Tử có viết: “Khổng Tử đến năm 51 tuổi vẫn chưa được nghe Đạo”.
Khổng Tử 51 tuổi vẫn chưa lĩnh ngộ được đại Đạo, đến lần thứ 4 vấn Đạo Lão Tử, Lão Tử nói với Khổng Tử rằng: “Đạo là thứ không thể dâng cho người, không thể tặng người, không thể nói rõ được, cũng không thể truyền cho người được. Khi ông có nhận thức chính xác đối với Đạo thì Đạo sẽ trú ở trong tâm ông. Khi hành vi của ông phù hợp với Đạo thì Đạo sẽ thể hiện trên thân ông”.
Lão Tử còn đề cập đến sự ngao du chân thực của thần thái: “Đối với người xưa tu dưỡng cực cao mà nói, Nhân, Nghĩa chẳng qua chỉ là mượn đường và tạm trú. Họ tự do tiêu dao ngao du Thái hư (tức vũ trụ theo cách nói ngày nay), cuộc sống giản đơn thuần phác, không thiếu nợ người khác cả về vật chất và tình cảm, cũng không bố thí tài vật và tình cảm cho người khác. Tiêu dao tự tại là vô vi, giản đơn thuần phác thì dễ sinh tồn. Không thiếu nợ người, cũng không cho tặng người”.
Sau khi trở về, Khổng Tử đóng cửa bế quan 3 tháng không ra ngoài, cuối cùng đã có nhận thức chính xác về Đạo.
Lần thứ 5 bái kiến Lão Tử, Khổng Tử nói: “Cuối cùng trò cũng đã đắc Đạo rồi… thời gian rất lâu dài, trò không thấu hiểu sự biến hóa tự nhiên của vạn vật. Không thấu hiểu sự biến hóa của tự nhiên thì sao có thể giáo hóa người khác được”.
Lão Tử vui mừng nói: “Khổng Khâu đắc Đạo rồi”.
Từ đó có thể thấy, Khổng Tử ngộ được chính là Đại Đạo “Đạo pháp tự nhiên” (Đạo thuận theo tự nhiên), “Đạo khả đạo, phi thường Đạo” (Đạo mà có thể thuyết giảng rõ ra được thì không phải là Đạo thường hằng bất biến).
Sau khi được nghe Đạo thì Khổng Tử như thế nào? Khổng Tử nói ông “là người hăng hái quên ăn, vui quên lo nghĩ, không biết tuổi già đang đến”. Lúc này Khổng Tử thậm chí trạng thái sinh hoạt cơ bản của con người cũng đều quên hết, quên cả ăn, quên cả tuổi già, quên cả cái chết, trong tâm tràn đầy niềm vui thù thắng sau khi đắc Đạo. Như thế này thì ông còn là một người bình thường nữa hay không?
“Sáng được nghe Đạo, tối chết cũng yên lòng” (triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ), rất nhiều người lý giải rằng: “Buổi sáng nghe được chân lý, buổi tối chết cũng được”. Người chưa đắc Đạo có thể làm được như vậy không? Rất nhiều người tu Phật tu Đạo, họ tu mấy chục năm, đến lúc lâm chung, điều họ nghĩ đến không phải là Phật A Di Đà, Lão Tử, mà lòng dạ họ lo lắng luyến tiếc đều là cổ phiếu, nhà cửa, xe hơi, con cái, vợ… Những thứ lưu luyến ở thế gian rất nhiều. Tuy họ đã được nghe, được học tập chân lý, nhưng họ hoàn toàn không làm được “tối chết cũng yên lòng”, bởi vì chưa thực sự lĩnh ngộ được đại Đạo.
Cũng có những học giả dùng những câu như “xả thân vì nghĩa”, “mất đi sinh mạng để thành nhân” để giải thích câu nói này của Khổng Tử. Những cái gọi là Nghĩa, Chân lý ngày nay, rất nhiều đều là giả, thậm chí là tà ác, rất nhiều người vì những thứ này mà đầu rơi máu chảy, còn có những kẻ khủng bố dùng thân người làm bom, xem ra có vẻ “không sợ chết”, thực ra chẳng qua chỉ là một loại manh động bị kích động bởi những lời dối trá, hoàn toàn không phải là biểu hiện của lý trí con người.
“Sáng được nghe Đạo, tối chết cũng yên lòng” là một cảnh giới của người tu luyện, tinh thần của họ đã đồng hóa với vũ trụ, với trời đất, với tự nhiên. Tất cả những được mất thế gian cũng như sự tồn vong của nhân thân, đối với họ mà nói đã không còn lo nghĩ lưu luyến nữa, hoàn toàn đã không còn khái niệm đó nữa. Nói cách khác họ đã đạt đến cảnh giới của Chân nhân, của Thần rồi.
Dịch từ secretchina.com
Fatal error: Call to undefined function ntd_get_related_posts() in /var/www/dev.tansinh.net/wp-content/themes/ts_desktop/single.php on line 30