Vợ chồng là nhân duyên tiền định do Nguyệt Lão se duyên, có những lần gặp gỡ tưởng là ngẫu nhiên nhưng thực ra đều là Thiên ý.
Hai nhà tổ chức hôn sự cùng ngày
Trong “Nhĩ thực lục” của Nhạc Quân vào thời nhà Thanh có chép lại một câu chuyện kể rằng, vào thời xưa có hai gia đình cùng tổ chức đám cưới vào một ngày. Một gia đình họ Cổ, gia đạo rất giàu có; một gia đình họ Tạ, gia cảnh nghèo khó. Gia đình nhà gái hai bên, một người họ Vương, tên Thúy Phương, đồ cưới phong phú; một người họ Ngô, đồ cưới ít ỏi.
Vào ngày cưới, trời âm u, tuyết rơi phủ kín đường, gần như không xác định được đường đi. Kiệu hoa của hai nhà đi cạnh nhau ở trên đường. Trang trí kiệu hoa của hai nhà cũng khá giống nhau. Hơn nữa, vì để tránh tuyết, hai cái kiệu đều đắp giấy dầu, phía trên có một tầng tuyết thật dày; từ phía xa mà nhìn hai cái kiệu thì đại khái cũng gần như nhau.
Hai Kiệu rước dâu không hẹn mà gặp (ảnh minh họa Kknews)
Đi được khoảng 4, 5 dặm đường, kiệu phu (người khiêng kiệu), người làm quả thực là mệt không thể đi được nữa; liền ở ngay cái đình ở ngoài đồng mà nghỉ ngơi một lát. Mọi người đều là đội ngũ rước dâu, cười cười nói nói, nhặt một chút củi trong đình đốt sưởi ấm. Vì để cho ấm người nên mỗi người đều lấy ra một chút rượu, vui vẻ uống rượu đến đỏ hết mang tai. Nhìn một chút thì thấy tuyết rơi càng ngày càng lớn; sợ trời tối đường xa, trễ nải công việc, kiệu phu và người làm lại nâng kiệu lên tiếp tục lên đường.
Cô dâu bị đưa vào nhầm nhà
Đêm đó, Vương Thúy Phương vừa muốn đi nằm, đột nhiên phát hiện đồ cưới trong phòng tân hôn rất ít, không giống như những thứ mình đã mang tới; nghĩ là nhà chồng đã len lén thay đổi. Trong tâm nghi ngờ, liền không nhịn được mà hỏi chồng: “Bàn trang điểm bằng gỗ tử đàn của thiếp đâu rồi? Để tì nữ mang đến cho thiếp trang điểm”.
Vương Thúy Phương nhận ra đồ cưới không phải của mình (ảnh minh họa Adobestock)
Chú rể cười nói: “Nàng không có mang đến thứ này, biết đến nơi nào để tìm?” Vương Thúy Phương thấy nói vậy thì càng nghi hoặc: “Cổ lang (người chồng họ Cổ) hà tất phải lừa thiếp như vậy!” Chú rể cười ha ha nói: “Ta là chân lang, cũng không phải là giả lang”. Vương Thúy Phương vội biện bạch: “Thiếp là nói chàng họ Cổ”. Chú rể đáp: “Ta họ Tạ, không phải họi Cổ”. Vương Thúy Phương nghe vậy thì kinh hãi, vội vàng kêu lớn: “Kẻ xấu bán tôi rồi!”
Chú rể nghe vậy thì cũng bất ngờ, không biết phải làm sao. Người nhà nghe tiếng đều đi vào hỏi có chuyện gì, chỉ thấy Vương Thúy Phương khóc lóc. Tạ mẫu (mẹ chú rể) nổi giận đùng đùng mắng: “Nhà tôi vốn là chính trực, ai biết làm mấy việc trộm cướp? Cha mẹ cô chê chúng tôi nghèo khó, dạy cho cô cái trò này, ai còn sợ cô sao!” Vương Thúy Phương nói: “Tôi nghe nói nhà mọi người họ Cổ, vì sao bây giờ lại thành họ Tạ?”
Đi xác thực
Tạ mẫu sau khi nghe xong càng tức giận hơn, mắng: “Con nô tỳ này! Chẳng lẽ hôm nay thành hôn có người đổi họ sao? Chẳng lẽ nhà các người cũng không phải họ Ngô sao?”
Vương Thúy Phương nghe xong thì lập tức hiểu ra: “Tôi hiểu rồi, con dâu của các người họ Ngô, còn tôi vốn họ Vương. Lúc tôi tới, ở trên đường có gặp một cô dâu, nghe nói là họ Ngô. Nhà chồng của bên đó tôi cũng có nghe nói, chỉ là không nhớ nổi; đại khái chính là nhà của các người đó. Tôi vốn là con dâu nhà họ Cổ. Bởi vì tuyết rơi dày, kiệu phu uống rượu sưởi ấm, phải chăng trong lúc vội vã mà hai cái kiệu nhầm với nhau. Mọi người có thể phái người đến nhà họ Cổ để hỏi cho rõ nguyên do là được”.
Mọi người nghe xong đều cảm thấy có lý, liền ngay trong đêm cho người đi đến nhà họ Cổ. Nhưng vì đường xa, khi đến nơi thì đã là sáng ngày hôm sau rồi; vợ chồng mới cưới còn chưa có bò ra khỏi giường.
Ván đã đóng thuyền
Hóa ra sau khi cô gái họ Ngô đến nhà họ Cổ, thấy đồ cưới không phải là của mình; lại nghe nói nhà trai cũng không phải họ Tạ, trong lòng nghi ngờ. Nhưng khi cô thấy đồ cưới nhiều và nhà trai giàu có như vậy, trong tâm quả thực là luyến tiếc; liền dứt khoát mạo nhận, để cho gạo nấu thành cơm. Hôm nay thấy có người tới hỏi, cũng giả bộ tức giận. Nhưng biết làm sao được, ván đã đóng thuyền, nước đổ khó thu. Con trai nhà họ Cổ sau một đêm vui vẻ, cũng không muốn để cho nàng về tay người khác.
Gạo đã nấu thành cơm (ảnh minh họa Adobestock)
Người được phái đi trở về, Vương Thúy Phương đau buồn muốn chết. Có người khuyên nhủ: “Vương – Tạ kết hôn, vốn là Thiên định, từ xưa sợi dây tơ hồng se duyên, đây là nhân duyên ngàn dặm vượt trùng xa cách! Khả năng là kiếp trước đã định như vậy rồi, phải có thị phi điên đảo lần này. Hiện tại nhà họ Cổ đã cưới họ Ngô, hôn sự đã xong rồi, cô hay là cùng họ Tạ thành thân đi, như vậy sẽ tốt hơn”. Vương Thúy Phương nhất định không đồng ý.
Đều là Thiên ý
Nhà họ Tạ không biết làm sao, đành phải cho người đến nhà Vương Thúy Phương cầu hôn. Vương công (cha của Vương Thúy Phương) nghe vậy, cho là rất lạ, liền nói: “Đây là Thiên ý! Xin được kết thông gia với Tạ gia”. Lúc này Vương Thúy Phương mới chịu theo ý cha mẹ, lạy cha mẹ chồng, cùng chồng kết nghĩa phu thê.
Về sau, người chồng họ Cổ ỷ vào có tiền, lại lấy thêm mấy người, Ngô thị bi phẫn mà chết. Trong khi Vương Thúy Phương và chồng ân ân ái ái, cuộc sống mỹ mãn, sống đến đầu bạc răng long.
4 nhà Vương – Tạ và Cổ – Ngô, trong ngày rước dâu, trao nhầm cho nhau, thoạt nhìn thì là ngẫu nhiên, nhưng thực chất lại là Thiên ý.
Theo Epoch Times
Fatal error: Call to undefined function ntd_get_related_posts() in /var/www/dev.tansinh.net/wp-content/themes/ts_desktop/single.php on line 30