Thương chiến Ấn-Trung: Đòn phản công ‘không khoan nhượng’ của Ấn Độ khiến Trung Quốc điêu đứng
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Liên minh “hùng mạnh” Five Eyes đã có những động thái quyết liệt hướng đến Trung Quốc. Gần đây, Ấn Độ – người bạn láng giềng trong nhiều năm qua, với nền kinh tế hai nước phụ thuộc lẫn nhau, cũng đã quyết định “cắt đứt” với Trung Quốc.
Mối quan hệ ‘không thể bình thường’ với Trung Quốc, Ấn Độ chính thức khai chiến
Sự kiện hai mươi binh sĩ Ấn Độ bị sát hại trong một cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa làm người dân và chính quyền Ấn Độ vô cùng phẫn nộ. Ấn Độ đã di chuyển 30.000 quân tới biên giới tại Himalaya. Thủ tướng Modi tuyên bố “chủ nghĩa bành trướng” phải chấm dứt, và chính thức “khai chiến” cuộc thương chiến Ấn-Trung.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ và Trung Quốc cho hay: “Đây là một bước ngoặt rất nguy hiểm trong quan hệ hai nước. Với những gì đã xảy ra tại Thung lũng Galwan – và rất nhiều máu đã đổ – mối quan hệ này không thể bình thường được nữa”.
New Delhi tuyên bố sẽ cắt đứt các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Làn sóng tẩy chay các sản phẩm “Made in China” nổi lên rầm rộ tại Ấn Độ, khi chính quyền yêu cầu nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon phải làm rõ xuất xứ của sản phẩm.
Thậm chí, sau làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, Hiệp hội các chủ doanh nghiệp dịch vụ ăn uống và khách sạn Delhi (DHROA) – đại diện cho 3.000 khách sạn và nhà nghỉ bình dân ở thủ đô Ấn Độ, cam kết sẽ cấm công dân Trung Quốc ở trong khách sạn và nhà hàng tại Ấn Độ.
Ông Sandeep Khandelwal, chủ tịch Hiệp hội doanh nhân toàn Ấn Độ CAIT, nói với truyền thông VICE: “Chúng tôi yêu cầu Hiệp hội Khách sạn Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc như đồ gia dụng, đồ nội thất và các sản phẩm điện tử. Tuy nhiên, Hiệp hội còn tiến thêm bước nữa khi cam kết cấm tất cả công dân Trung Quốc đặt phòng hoặc bàn ăn tại nhà hàng, khách sạn của họ”. Theo ông, ước tính hàng năm có khoảng 800.000 người Trung Quốc đến thủ đô Delhi của Ấn Độ.
Bộ Viễn thông Ấn Độ đã ra lệnh cho các công ty viễn thông Ấn Độ như BSNL, MTNL và các công ty tư nhân khác cấm sử dụng các thiết bị do Trung Quốc sản xuất và thiết bị có nguồn gốc giao dịch từ Trung Quốc. Đồng thời, Bộ này cũng gấp rút sửa đổi các điều kiện của quy trình đấu thầu nâng cấp mạng 4G của BSNL và cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu.
“Điểm nóng” của thương chiến là việc thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, hạn chế đầu tư của Trung Quốc và cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc khỏi điện thoại Ấn Độ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hoan nghênh lệnh cấm của Ấn Độ đối với các ứng dụng Trung Quốc, nói rằng động thái này sẽ “tăng cường sự toàn vẹn của Ấn Độ, an ninh quốc gia”.
Tiến thêm một bước, chính phủ Ấn Độ cấm Trung Quốc tham gia đầu tư vào các dự án đường bộ và điện lực. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari đã tuyên bố vào ngày 1/7 rằng các công ty Trung Quốc sẽ không được phép tham gia vào các dự án đường bộ của nước này, theo The Hindu.
Trong hai tuần qua, các Bộ khác nhau đã làm lại hồ sơ đấu thầu để loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi các dự án quan trọng. Cơ quan hải quan Ấn Độ đã tăng cường kiểm tra hàng hóa Trung Quốc tại các cảng Ấn Độ.
Các báo cáo cho biết chính phủ đang xem xét kiềm chế thương mại và mua sắm nhắm vào Trung Quốc. Chính phủ cũng đang tăng cường xem xét các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nhiều lĩnh vực và cân nhắc quyết định rút khỏi các thử nghiệm 5G của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, tại Ấn Độ.
Các động thái này có khả năng khiến các công ty Trung Quốc tốn hàng tỷ USD thu nhập trong tương lai. Thông điệp rõ ràng từ Delhi là không thể tiếp tục quan hệ thương mại và đầu tư với chính quyền Trung Quốc như bình thường.
Từ đe dọa, bắt nạt đến dụ dỗ: chiêu bài quen thuộc của Trung Quốc không có tác dụng trong thương chiến Ấn-Trung
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã từng dẫn đầu một cuộc tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc vào năm 2016 và 2017, khi Seoul triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực (THAAD) của Hoa Kỳ. Trung Quốc sau đó đã áp dụng hạn chế du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc, khiến nước này phải “trả giá” bằng thiệt hại hàng triệu USD doanh thu du lịch. Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp pháp lý để đóng cửa gần 90 cửa hàng Lotte Mart thuộc sở hữu của Hàn Quốc tại đại lục.
Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm sang Nhật Bản – thành phần quan trọng của nhiều ngành công nghiệp điện tử – sau vụ va chạm gần các đảo trong cuộc tranh chấp về vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hai năm sau đó, các cuộc biểu tình rầm rộ do chính quyền Trung Quốc tổ chức liên quan đến vấn đề biển đảo, dẫn đến việc tẩy chay các thương hiệu Nhật Bản; trong một số trường hợp, các vụ bạo lực nhắm vào các cửa hàng và xe hơi có thương hiệu Nhật Bản.
Với Philippines, vì một cuộc tranh chấp về bãi cạn ở Biển Đông năm 2012, Trung Quốc đã khiến nền kinh tế Philippines “điêu đứng” khi hạn chế nhập khẩu chuối và hạn chế du lịch, khiến nước này mất đi hàng triệu USD doanh thu.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc cũng đã phát động chiến tranh thương mại với Úc để trả đũa việc nước này đi đầu trong nỗ lực kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19. Bên cạnh đó, quan hệ Canada-Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi Ottawa bắt giữ một lãnh đạo cấp cao của Huawei.
Không có gì lạ trong các động thái của chính quyền Trung Quốc khi họ thường xuyên triển khai các biện pháp đối phó kinh tế, từ việc hạn chế tiếp cận thị trường đến tẩy chay hàng hóa đối với các tranh chấp của chính họ với các quốc gia khác, từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Philippines và Mông Cổ.
Vào tháng 4/2020, The Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xuất bản một bài xã luận tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã trao cho chính quyền Modi sự tin tưởng sai lầm, và rằng Hoa Kỳ cuối cùng sẽ từ bỏ Ấn Độ. Tờ này thậm chí còn tìm cách “ly gián” quan hệ Mỹ-Ấn khi tuyên bố rằng Washington có thể can thiệp nhằm làm xấu đi mối quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc.
Sau đó, The Global Times dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc đe dọa rằng cuộc thương chiến chỉ có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào người dân và nền kinh tế Ấn Độ khi Trung Quốc từ lâu đã là một đối tác thương mại quan trọng đối với Ấn Độ. Từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, Ấn Độ đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 65 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm gần 14% tổng kim ngạch nhập khẩu, theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc đã mua hàng hóa trị giá 16,6 tỷ USD từ Ấn Độ, theo CNN.
Trong trường hợp vụ tranh chấp biên giới với Ấn Độ dẫn đến thương chiến, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh và Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi kêu gọi Ấn Độ xem xét các động thái, cho biết các biện pháp chọn lọc và phân biệt đối xử nhắm vào các ứng dụng nhất định của Trung Quốc là đi ngược lại xu hướng chung của thương mại quốc tế và thương mại điện tử, và không có lợi cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh thị trường ở Ấn Độ.
Đáp lại, giới chức cấp cao của Quân đội Ấn Độ nói với tờ Hindustan Times vào ngày 5/7 rằng Ấn Độ đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc “đối đầu lâu dài”.
Ấn Độ ‘quyết không khoan nhượng’, Trung Quốc trả giá đắt
Hôm 1/7, Economic Times của Ấn Độ đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã quyết định xóa bỏ tài khoản Weibo với 240.000 người theo dõi đến từ Trung Quốc đại lục. Hiện ông đã xóa sạch dữ liệu trong tài khoản của mình, bao gồm cả ảnh chụp chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giám đốc dự án Ấn Độ tại Viện Brookings (Washington, Mỹ) Tanvi Madan cho rằng: “Điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho quan điểm rằng sự phụ thuộc về kinh tế có thể xoa dịu các căng thẳng chính trị”.
Mối đe dọa về “nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn gấp 5 lần so với Ấn Độ” và “một Trung Quốc đang trỗi dậy” không làm Ấn Độ nao núng, thương chiến Ấn-Trung tiếp tục leo thang khi vào ngày 4/7, truyền thông Ấn Độ The Print đưa tin rằng chính phủ Ấn Độ cho biết họ sẽ không tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – gồm 15 quốc gia thành viên.
Thủ tướng Modi cũng tuyên bố Ấn Độ sẽ không gia nhập vào bất kỳ hiệp định thương mại nào có ĐCSTQ, và cho biết quốc gia này đã đưa ra một kế hoạch kinh tế đặc biệt “Ấn Độ tự cung tự cấp” (Admanirbar Bharat) vào tháng 5/2020, theo The Epoch Times.
Theo ANI, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh cho biết, nước này sẽ không nhập khẩu thiết bị năng lượng từ Trung Quốc. Phát biểu trong hội thảo trực tuyến, ông Singh nói: “Ấn Độ nhập khẩu thiết bị năng lượng trị giá 710 tỷ Rupee (9,4 tỷ USD), bao gồm nhập khẩu 210 tỷ Rupee (2,8 tỷ USD) từ Trung Quốc… Đây là những gì chúng tôi không thể cho phép khi nước này xâm chiếm lãnh thổ của chúng tôi… chúng tôi sẽ không mua bất cứ thứ gì từ Trung Quốc“.
Theo Reuter, chính phủ Ấn Độ đang xem xét khoảng 50 đề xuất đầu tư liên quan đến các công ty Trung Quốc theo chính sách sàng lọc mới, cho dù là tài trợ mới hay bổ sung, bất chấp sự chỉ trích từ các nhà đầu tư Trung Quốc và Bắc Kinh khi gọi chính sách này là sự “phân biệt đối xử”.
Có hơn 800 công ty Trung Quốc ở Ấn Độ, hoạt động rộng khắp trong nhiều ngành nghề, bao gồm năng lượng, đường sắt, thép, ô tô, thiết bị hạng nặng, viễn thông, hóa dầu, dược phẩm, bất động sản và đồ gia dụng.
Theo tính toán của Chính phủ Trung Quốc, chỉ trong 3 năm từ 2014-2017, đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần lên khoảng 8 tỷ USD. Một nghiên cứu được Viện Brookings Ấn Độ công bố vào tháng 3/2020, ước tính tổng số tiền đầu tư hiện tại và theo kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ là 26 tỷ USD.
Geethanjali Nataraj, giáo sư kinh tế tại Viện Hành chính công Ấn Độ (IIPA) chỉ ra rằng: “Các công ty Trung Quốc đã phải đối mặt với các hạn chế thương mại từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, và họ phải đối mặt với áp lực quá mức. Do đó, không dễ để Trung Quốc bỏ qua một thị trường lớn như Ấn Độ”.
Trong khi đó, Ấn Độ có khả năng “mất nhiều hơn” khi tham gia vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Gokhale, cựu ngoại trưởng Ấn Độ, nói rằng các nước không còn có thể bỏ qua những vi phạm của Bắc Kinh và phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo The New York Times.
Một nhà ngoại giao Ấn Độ cho biết “Ấn Độ đại diện cho một con đường, và Trung Quốc đại diện cho một con đường khác”. Cả hai đã không thể “đi chung” một con đường nữa. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có lẽ Ấn Độ đã có “con đường đã chọn”, và con đường ấy mở đầu bằng cuộc thương chiến Ấn-Trung không khoan nhượng.
Theo : NTD.com
Fatal error: Call to undefined function ntd_get_related_posts() in /var/www/dev.tansinh.net/wp-content/themes/ts_desktop/single.php on line 30